Tải ứng dụng
Bạn cần hỗ trợ?

Quan điểm mới của Y học cổ truyền về điều trị ung thư

Ung thư được coi là chứng nan y. Tuy nhiên YHCT Trung Quốc và Việt Nam đã tìm thấy trong thiên nhiên rất nhiều cây cỏ, khoáng vật có tác dụng rất tốt trong việc hạn chế và ngăn chặn sự phát triển của bệnh và đưa ra nhiều quan điểm về nguyên nhân, cơ chế phát sinh bệnh và nguyên tắc điều trị.


Có rất nhiều cỏ cây, khoáng vật có tác dụng trong việc hạn chế và ngăn chặn ung thư

Y học thường căn cứ vào triệu chứng các chứng trạng và nguyên nhân bệnh hoặc vào vị trí bệnh mà gọi tên. Chẳng hạn Y học hiện đại gọi ung thư lưỡi, thì YHCT gọi là thiệt khuẩn, ung thư môi – kén thần, ung thư vòm họng – hầu bạch diệp, ung thư tuyến giáp – thạch anh, ung thư môn vị, hang vị – phản vị… Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh là do ngoại nhân và nội nhân. Nội nhân chỉ chính khí suy nhược, âm dương rối loạn, khí huyết vận hành bất thường, công năng tạng phủ suy yếu. Ngoài ra nguyên nhân ăn uống cũng gây nên sự uất đọng trong kinh lạc và tạng phủ. YHCT nhấn mạnh do yếu tố bên trong gây ra các chứng lựu, chính khí suy nhược, ngoại tà thừa cơ xâm nhập vào kinh lạc và tạng phủ ảnh hưởng đến tà khí và lưu thông khí huyết, điều hòa âm dương mà gây ra khí trệ, huyết ứ, đàm ngưng. Độc tích lâu ngày hình thành u cục. Bên cạnh đó tình trạng tinh thần căng thẳng kéo dài, thói quen ăn uống không điều độ đều là những yếu tố thuận lợi, phối hợp với nhau gây nên bệnh lý u bướu. Chính khí hư tổn là yếu tố chính phát sinh ra u cục: sự xâm nhập của ngoại tà là điều kiện để u cục phát triển. Bệnh lý u cục biểu hiện tại chỗ khiến người ta chú ý, tại đó có các triệu chứng thuộc nhóm thực chứng. Còn biểu hiện toàn thân là sự suy yếu của chính khí. Vì thế nguyên tắc điều trị bệnh u bướu thường đề cập tới hai mặt: phù chính (bổ khí, huyết, tư âm, ôn dương) và Khứ tà (giải độc tức là hành khí, hoạt huyết, hóa ứ, hóa đàm, thanh nhiệt, giải độc, nhuyễn kiên làm mềm và tan biến các u cục).


Nguyên tắc điều trị bệnh u bướu  của YHCT được chia làm 3 bước: biện chứng và biện bệnh; điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân; trị tiêu và trị bản. Biện chứng luận trị là phương pháp chủ yếu trong trị liệu của YHCT: Thông qua tứ chấn để tập hợp các triệu chứng, chứng trạng sau đó khái quát trên cơ sở phân tích làm rõ bệnh lý thuộc về khí hay huyết, thuộc về tạng hay phủ, thuộc về kinh lạc nào, xác định rõ giai đoạn bệnh thuộc âm hay dương, hư hay thực mà đưa ra biện pháp điều trị.


Trong điều trị bệnh u bướu còn cần làm rõ được bệnh danh, phân loại chứng hậu. Để làm được việc này thường phải kết hợp với Y học hiện đại để định rõ vị trí, tính chất và giai đoạn bệnh, phạm vi tổn thương ở mức vị thể rồi lựa chọn phối hợp thuốc đông dược. Ngoài ra còn phải chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác. Thông thường qua biện chứng và biện bệnh là để lựa chọn phương pháp điều trị, nâng cao hiệu quả làm tiêu mòn các u bướu, đồng thời với nâng cao sức đề kháng toàn thân.


Quan niệm của YHCT về bệnh u bướu là bệnh toàn thân mà biểu hiện tại chỗ: mối quan hệ giữa tại chỗ và toàn thân thể hiện tính đối lập và thống nhất của quá trình bệnh lý. Do vậy khi điều trị u bướu luôn phải quan tâm đến cải thiện tình trạng toàn thân tức là nâng cao sức đề kháng mà khống chế sự phát triển của u bướu. Phân tích kỹ sự thịnh, suy của khí huyết, hư thực của tạng phủ là để phát huy hiệu quả của liệu pháp công và bổ. YHCT áp dụng 8 phép để phù chính cố bản. Phù chính cố bản chính là bổ chính khí, điều hòa khí huyết và chức năng sinh lý của tạng phủ, kinh lạc, nâng cao khả năng chống đỡ bệnh tật, tăng cường thể trạng và khả năng miễn dịch tiến tới loại trừ u bướu. Ích khí kiện tỳ là phép cơ bản chữa khí suy mà biểu hiện mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, nói nhỏ, đoản hơi, ăn ít, tự hãn, mạch vô lực, rêu lưỡi trắng mỏng. Bài thuốc thường gồm các vị hoàng kỳ, nhân sâm, thái tử sâm, bạch truật, phục linh, hoài sơn, cam thảo. Ôn thận tráng dương là chữa thận dương hư hoặc tỳ thận bất túc biểu hiện sợ lạnh, đau mỏi lưng gối, nói ít, thở yếu, sắc mặt nhợt, tiểu nhiều, đại tiện lỏng, lưỡi nhạt rêu trắng mỏng, mạch trầm. Bài thuốc gồm phụ tử chế, nhục quế, nhung hươu, dâm dương hoắc, tỏa dương, nhục dung, ba kích, bị lệ. Tư âm bổ huyết dùng trong chứng huyết hư, biểu hiện chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp, mất ngủ, sắc mặt khô vàng, môi và móng tay trắng, đau lưng, mạch tế, thường gặp ở giai đoạn cuối của bệnh u bướu hoặc sau khi hóa trị. Bài thuốc có thục địa, đương quy, a giao, bạch thược, qui bản, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, đại táo, kê huyết đằng. Hoạt huyết hóa ứ chỉ định cho bệnh u bướu có biểu hiện huyết ứ, xuất hiện u cục, đau cố định, co cứng cơ, chất lưỡi có vết tím, tối hoặc ban tím, dưới lưỡi có mạch xanh phồng rõ, mạch huyền tế hoặc sáp thì được dùng bài thuốc có vị tam lăng, nga chuật, xuyên khung, đan sâm, xích thược, hồng hoa, đương qui, xuyên sơn giáp, đào nhân, vương bất lưu hành, thạch kiến xuyên, sinh bồ hoàn, ngũ linh chi, nhũ hương, mộc dược, thủy điệt, ngô công, toàn yết. Những vị thuốc trên có tác dụng sơ thông kinh lạc, hành huyết tán ứ, cải thiện tuần hoàn, ức chế sự tăng sinh của tổ chức liên kết, từ đó thu nhỏ dần u bướu. Thanh nhiệt giải độc chỉ định điều trị bệnh u bướu có nhiệt thịnh, biểu hiện sốt, đau, nóng tại chỗ, nước tiểu đỏ, đại tiện táo, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ đậm, mạch sác. Thuốc thường dùng là bạch hoa, xà thiện thảo, bán chi liên, thất diệp nhất chi hoa, sơn đậu căn, khổ sâm, hạ khô thảo, thanh đại, hoàng liên, hòang cầm, hoàng bá, cỏ đuôi công.

Theo Daidoanket (Minh Ngọc sưu tầm)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *