Nữ y sĩ người dân tộc Thái nạp năng lượng cho bản thân từ hoạt động cộng đồng
Từng coi “thu nhập là trên hết” và làm việc quần quật từ sáng đến đêm, chị Hoàng Thị Chon (SN 1987) tìm được con đường “sống chậm” qua công việc thiện nguyện. Chị nhận ra “nạp năng lượng cho người khác cũng chính là nạp năng lượng cho bản thân mình”.
Chị Hoàng Thị Chon – Y sĩ y học cổ truyền là người dân tộc Thái, ở thị trấn Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Vốn sinh trưởng trong gia đình khó khăn, chị luôn cố gắng làm việc hết sức để cải thiện cuộc sống gia đình.
Đã có thời điểm chị vừa đi học Đông y vào buổi sáng, buổi chiều về lại đi đắp thuốc bấm huyệt cho bệnh nhân đến tận tối. Lại có thời điểm chị làm việc ở nhà thuốc đến 1-2h sáng và 5h sáng hôm sau lại thức dậy bắt đầu công việc của ngày mới.
“Với tôi lúc đó, thu nhập là trên hết. Tôi thường xuyên rơi vào trạng thái stress, cáu gắt và gặp vấn đề về sức khỏe”, chị Chon chia sẻ.
Cho đến một lần, thông qua cuộc nói chuyện với một người bạn, chị cùng bạn tham gia chuyến từ thiện “Bữa cơm cho em” tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Sau rất nhiều năm quay cuồng trong công việc, giờ đây nhìn những khuôn mặt rạng ngời của các cháu khi đón nhận suất cơm có thịt sau những ngày ăn cơm cùng rau rừng chị nhận ra bản thân đã bỏ lỡ quá nhiều. Một bữa cơm với các món bình thường với hầu hết mọi nhà, mọi người nhưng lại là niềm hạnh phúc vô bờ của các cháu.
Từ chuyến thiện nguyên ban đầu đó, chị tìm lại được cách cân bằng cuộc sống của mình một cách giản đơn mà theo thời gian chị đã vô tình đánh mất. Chị biết ơn cuộc sống và “cho đi” nhiều hơn.
Công việc hiện tại của chị Chon là quản lý nhà thuốc nam của gia đình. Nếu như trước kia, chị đơn thuần là thấy yêu thích nghề làm thuốc bởi vừa có thể chăm sóc sức khỏe cho mọi người lại vừa có thu nhập, thì hiện tại chị nhận thấy công việc này còn giúp ích cho chị hơn nữa. Bởi lẽ, từ đây chị có cơ hội để tiếp xúc, giao lưu với nhiều người, mở rộng mối quan hệ, có cơ hội trở thành người kết nối giữa các mạnh thường quân với những mảnh đời bất hạnh, kết nối yêu thương giữa những mảnh đất phát triển với những vùng đất còn nhiều khó khăn.
Nhờ công việc, chị cũng có cơ hội được đi đến nhiều vùng đất khác nhau. Những chuyến đi để chị góp nhặt những điều tươi đẹp của cuộc sống, để va vấp và trưởng thành hơn sau mỗi hành trình.
“Khi tôi bắt đầu cùng nhà thuốc hỗ trợ nhiều hơn về chi phí điều trị cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, cũng là lúc tôi nhận ra chữa lành cho bệnh nhân cũng chính là chữa lành cho chính tâm hồn của mình. Tôi không đặt nặng việc mình sẽ làm được những điều thật to lớn mà mỗi việc tôi làm đều sẽ là hết lòng, hết sức” – chị Chon chia sẻ.
Là một người con của dân tộc Thái, chị luôn có một ấp ủ rất lớn trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Ở thời điểm trước đây và hiện tại, chị đã tập trung phát triển công việc vận hành nhà thuốc và tham gia một số hoạt động xã hội, nhưng trong thời gian tới chị sẽ lồng ghép truyền tải những giá trị tốt đẹp của dân tộc như trang phục, phong tục tập quán, bài thuốc quý.
“Ở xung quanh chúng ta có rất nhiều điều để lòng thấy bình yên hơn. Khi bản thân đang có quá nhiều áp lực, hãy cho phép bản thân mình được nghỉ ngơi đôi chút và tận hưởng hạnh phúc từ những điều bé nhỏ thay vì luôn tìm kiếm sự hạnh phúc ở nơi xa xôi. Ví dụ tự mua một bó hoa tặng bản thân, biếu cụ già nghèo một chiếc chăn ấm mới, đi tới trại trẻ mồ côi và nhìn những nụ cười của các cháu khi đón nhận bánh kẹo… Nạp năng lượng cho người khác cũng chính là nạp năng lượng cho bản thân mình”.
Chị Hoàng Thị Chon
Giờ đây, bằng sự thay đổi, chị Hoàng Thị Chon không chỉ trở thành một phụ nữ hạnh phúc mà chị còn được nhiều người biết đến với hình ảnh người phụ nữ dân tộc Thái tích cực hoạt động vì cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng dân tộc Thái.